Công ty tôi có mua hàng của nhà cung cấp bên UEA theo phương thức MSP và incoterm CIF. Nhà cung cấp (NCC) này sẽ gửi hàng về Hải Phòng 1 lần/tháng và trong lô hàng bao gồm hàng bán cho nhiều khách hàng khác nhau. Lúc này consignee trên vận đơn tổng (MBL) là một forwarder mà bên NCC chỉ định. Sau khi nhận được đặt hàng của công ty tôi, bên NCC sẽ lựa chọn lô hàng, cont nào để bán cho công ty tôi và chỉ định cho forwarder làm thủ tục tách lô hàng và chuyển đổi vận đơn. Trên vận đơn chuyển đổi (Switch BL) là house BL và consignee lúc này là công ty chúng tối.
Theo cách này thì NCC có quyền chủ động trong việc gửi hàng về Việt Nam và chờ đơn hàng thì sẽ chuyển đổi vận đơn và bán hàng.
Sau khi chuyển đổi vận đơn thì forwarder gửi thông báo hàng về cho công ty tôi với thông tin ngày ETA là ngày ETA thực tế của cả lô hàng theo MBL, ngày D/O là ngày forwarder hoàn thành việc chuyển đổi vận đơn. Với HBL thì ngày lên tàu là ngày thực tế, ngày phát hành là ngày hoàn thành việc chuyển đổi.
Có một số trường hợp bên NCC gửi hàng về Hải Phòng và đến khi công ty chúng tôi đặt hàng là 30 ngày hoặc quá 30 ngày kể từ ngày lô hảng trên MBL về Hải Phòng.
Trong file đính kèm là ví dụ về việc quá 30 ngày kể từ ngày hàng đến Hải Phòng.
Theo khoản 8b, điều 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì người nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan trong vòng 30 ngày kể từ ngày hàng đến cửa khẩu. Với hình thức này khi chúng tôi mở tờ khai hải quan cho các lô hàng nhập khẩu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày phát hành HBL, D/O nhưng lại quá hạn 30 ngày so với thực tế lô hàng trên MBL về Hải Phòng mà thực tế lô hàng này chưa phải là hàng của công ty chúng tôi. Khi làm thủ tục hải quan thì công ty chúng tôi bị phạt vi phạm hành chính theo điều 6 của nghị định 45/2016/NĐ-CP.
Trường hợp này công ty chúng tôi có vi phạm thời hạn làm thủ tục hải quan hay không và nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý theo điều khoản nào?
Do không có hồ sơ vụ việc cụ thể nên Bộ phận tư vấn của Ban Biên tập có ý kiến về nguyên tắc đối với vấn đề Công ty hỏi như sau:
Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã quy định cụ thể về thời hạn nộp tờ khai hải quan tại điểm b khoản 8 Điều 18 như sau: “Đối với hàng hóa nhập khẩu, việc nộp tờ khai hải quan được thực hiện trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu”.
Khoản 1 đến khoản 7 Điều 18 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) cũng đã hướng dẫn cụ thể cách khai hải quan.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn nộp tờ khai hải quan, Công ty bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016).
Đề nghị Công ty liên hệ trực tiếp Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.