Vấn đề tài sản chung của vợ chồng (theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014) được quy định như sau:
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Do đó, bạn có quyền tặng cho tài sản riêng cho con trai bạn. Việc tặng cho phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể, điều kiện đó là phải có hợp đồng tặng cho đúng luật.
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận (Điều 457 Bộ Luật dân sự năm 2015).
Ngoài ra, theo Điều 459 BLDS năm 2015 cũng có quy định về hình thức và hiệu lực của hợp đồng tặng cho, cụ thể:
Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Như vậy, hợp đồng tặng cho là quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tài sản gắn liền với đất mà pháp luật quy định phải công chứng, chứng thực; phải đăng ký chuyển quyền, thì có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ).
Sau khi hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho QSDĐ và tài sản gắn liền trên đất được công chứng, chứng thực, con trai bạn nộp hồ sơ đăng ký biến động QSDĐ; VPĐKĐĐ sẽ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, nếu đã đầy đủ thì tiến hành theo trình tự của thủ tục và hồ sơ sẽ được gửi đến cơ quan thuế và Phòng Tài nguyên và Môi trường để xác định nghĩa vụ tài chính và tiến hành sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).
Căn nhà bạn đã tặng riêng cho con trai theo đúng quy định pháp luật như đã nêu trên thì con dâu không có quyền gì đối với tài sản được tặng cho riêng này.