Theo quy định tại Điều 38 Luật Cư trú 2020, từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú (STT) giấy sẽ không còn giá trị sử dụng trong các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính.
Thay vào đó việc tra cứu, khai thác dữ liệu công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư để đáp ứng các yêu cầu hành chính của người dân.
Theo khoản 6, Điều 1 Nghị định 37/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015) hình thức khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư có thể bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an...
Cách 1: Công dân trực tiếp đến Công an cấp xã hoặc Công an cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã để nghị cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Cách 2: Gửi yêu cầu xác nhận thông tin cư trú thông qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia.
Giấy xác nhận thông tin cư trú có hiệu lực trong 30 ngày kể từ ngày cấp với các trường hợp xác nhận thông tin về cư trú.
Thủ tục xin xác nhận thông tin cư trú thực hiện tương đối đơn giản
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ là Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Công an cấp xã hoặc gửi qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Bước 3: Cơ quan công an sẽ kiểm tra thông tin tờ khai đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người đăng ký.
Bước 4: Nhận kết quả trong một ngày làm việc. Trong trường hợp có thông tin cần phải xác minh, làm rõ thì thời hạn là ba ngày làm việc.
Như vậy, việc nhập học của con bạn, bạn có thể xin Giấy xác nhận thông tin về cư trú theo hai cách nêu trên để nộp cho nhà trường hoặc nhà trường có thể chủ động khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để biết trẻ có hộ khẩu tại địa phương đó hay không và tiến hành tiếp nhận trẻ vào học.